Ngày nay, khi khoa học công nghệ phát triển được áp dụng trên nhiều lĩnh vực, trong đó có khai thác đá quý. Vậy nên rất nhiều người có thể sở hữu cho mình những viên đá quý mà mình yêu thích. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu được giá trị, tiềm năng đá quý tại Việt Nam, và đặc biệt là nguồn gốc thành tạo nên chúng. Đó cũng là những điều canh cánh trong lòng những người làm nghề như chúng tôi, chúng tôi luôn mong muốn được gửi những thông tin chính xác nhất đến với quý vị độc giả về những khúc mắc này. Và một loạt những bài viết sau đây, chúng tôi tổ hợp lại sẽ dần đưa quý vị đến gần hơn với “Thế giới đá quý”.
Mời quý vị cùng đến với:
Phần I: Nguồn gốc thành tạo các mỏ đá quý liên quan đến thành tạo nội sinh: Magma, Pegmatit, Khí hóa – nhiệt dịch.
Hình 1: Cấu trúc của Trái Đất.
Trái đất được coi có tuồi là 4.5 tỷ năm. Suốt thời gian đó đó, Trái đất đã trải qua một quá trình tiến hóa, với nhiều hoạt động địa chất đã xảy ra, dẫn đến một cấu trúc như ngày nay gồm 3 lớp: Trong cùng là Nhân (độ dày 3470 km, gồm có Nhân trong và Nhân ngoài), giữa là Manti, ngoài cùng là Vỏ Trái đất (5-70 km). Vỏ là phần cứng của Trái đất và cũng được cấu tạo tù nhiều lớp có thành phần khác nhau. Có 2 kiểu vỏ: vỏ lục địa và vỏ đại dương, đều có lớp trên cùng là trầm tích, dưới cùng là bazan. Riêng vỏ lục địa còn có thêm lớp granit ở giữa. Các lớp này được cấu tạo từ 3 loại đá cơ bản: Magma, Trầm tích, Biến chất khác nhau về thành phần khoáng vật, phương thức kết hợp và điều kiện thành tạo.Trong đó, khoáng vật là những hợp chất hóa học được thành tạo trong quá trình địa chất, có thành phần tương đối ổn định, có những tính chất hóa lý xác định. Và đa số Đá quý đều là khoáng vật (Kim cương, Ruby, Saphir, Emerald …), chúng được thành tạo ngay ở phần trên của lớp Manti nhưng chủ yêu nằm trong lớp Vỏ Trái đất. Vậy tại sao nó lại được đẩy lên trên bề mặt Trái Đất để con người có thể khai thác? Phải chăng là có lực đẩy siêu nhiên nào từ lòng đất? Hay có lực hút nào lớn hơn cả trọng lực của Trái Đất? Chúng ta cùng đi sâu tìm hiểu ngay nhé.
Vào giai đoạn đầu khi hình thành Trái đất, tất cả đều là đá magma (là loại đá được hình thành do sự đông nguội của dung thể magma). Khi chúng nằm đưới sâu, được thành tạo dưới nhiệt độ và áp suất giảm từ từ tạo thành những khối đá magma xâm nhập (batholit), hoặc được phun trào trên mặt đất trong quá trình hoạt động núi lửa với nhiệt độ và áp suất giảm đột ngột tạo nên các đá magma phun trào. Quá trình này cũng tạo nên một số loại đá như: Thủy tinh tự nhiên, Obsidian, bazan (khoáng vật Peridot nằm trong đá bazan tại Lâm Đồng, nơi núi lửa từng hoạt động)… Ở giai đoạn cuối của quá trình kết tinh đá magma, dung thể magma trở nên rất giàu chất bốc và những kim loại hiếm. Từ dung thể này kết tinh nên một loại đá đặc biệt có kích thước hạt lớn và chứa nhiều khoáng vật quý hiếm, gọi là Pegmatit. Trong các thể Pegmatit chứa nhiều chất khí tạo nên môi trường kết tinh cho nhiều loại khoáng vật, vì vậy khi khai thác gặp rất nhiều loại đá quý khác nhau như Saphir, Tourmalin, Garnet, thạch anh, felspar, Topaz, Peridot, Zircon …hình thành trong các thể Pegmatit.
H1: Verdelite trong Pegmatit H2: Rubelite trong Pegmatit
Những khối magma xâm nhập sâu (phần giáp ranh giữa lớp Vỏ và lớp Manti) được đưa lên bề mặt bởi những đường nứt lớn của vỏ hoặc đường dẫn đặc biệt. Thường là những đới hút chìm và đới căng giãn của vỏ. Thi thoảng chất khí tích đọng dẫn magma lên bề mặt, quá trình này tạo nên những vụ nổ lớn trong các ống nổ (Diatrem). Đây cũng là 1 trong số những lý do tại sao đá quý được thành tạo rất sâu trong lòng đất lại được vận chuyển lên bề mặt Trái đất.
Ngoài ra, xung quanh khối magma xâm nhập còn tồn tại hệ thống những khe nứt với nhiều kích thước khác nhau từ vài chục cm đến hàng mét, tích nhiều chất khí và nước. Những vật liệu này là thành tạo nhiệt dịch có chứa nhiều nguyên tố kim loại như Au, Ag, Hg, Pb, Zn, Sn…Khi chúng nguội hoàn toàn và kết tinh lại thành những mạch thạch anh có các khoáng vật mang kim loại quý hiếm và đá quý.
Tóm lại, thông qua các hoạt động tạo đá (xâm nhập), hoạt động núi lửa và ống nổ, các dung thể magma có thể chui vào lớp vỏ và phun trào trên bề mặt. Kèm theo đó là việc mang theo đá quý nằm ở độ sâu khác nhau trong vỏ. Đây cũng là những phương tiện vận tải hữu hiệu đưa đá quý lên phần nông của vỏ hay trên bề mặt để con người có thể thuận lợi khai thác chúng.
Bài viết sử dụng một số “tư liệu và hình ảnh được sưu tầm”
Mời quý vị đến với Phần II: Nguồn gốc thành tạo các mỏ đá quý liên quan đến thành tạo ngoại sinh: Phong hóa và trầm tích. Vào ngày 09-11-2020