Quy trình kiểm định


I. SƠ ĐỒ QUY TRÌNH KIỂM ĐỊNH

II. NGUYÊN TẮC HOẠT ĐỘNG 3EX

Một viên kim cương được gọi là hoàn hảo khi chất lượng chế tác của chúng đạt 3EX (Excellent). Với mong muốn mang đến sự hoàn hảo cho khách hàng, Viện ngọc IGG cũng đặt ra tiêu chí 3EX, đó là Chính xác (Exact), Nhanh chóng (Express) và Hoàn hảo (Excellent).

  1. Chính xác: Đây là tiêu chí Viện ngọc IGG đặt lên hàng đầu, để đảm bảo được điều này chúng tôi luôn tuân thủ quy trình kiểm định đã được ban hành. Mọi mẫu vật đều được xác định tất cả các tính chất ngọc học trước khi đưa ra kết luận về chủng loại và chất lượng của chúng. Các tính chất ngọc học trên được các kỹ thuật viên kiểm định sử dụng một hệ thống thiết bị đồng bộ và hiện đại được trang bị tại Viện để tiến hành xác định. Việc phân cấp chất lượng được áp dụng dựa trên các tiêu chuẩn về ngọc học được áp dụng tại Viện ngọc Hoa Kỳ (GIA).
  2. Nhanh chóng: Với mong muốn phục vụ khách hàng một cách tốt nhất, chúng tôi luôn đảm bảo về mặt thời gian cho khách hàng sao cho thời gian lưu mẫu tại Viện là ngắn nhất. Trong trường hợp khách hàng ở xa, chúng tôi sẽ cử kỹ thuật viên kiểm định đến tận cơ sở để tiến hành giám định.
  3. Hoàn hảo: Không chỉ mong muốn hoàn hảo trong phục vụ, Viện ngọc IGG còn cố gắng mang đến cho khách hàng sự hoàn hảo trong các sản phẩm kiểm định.
  • Với mẫu chứng thư tiện lợi, mẫu niêm phong đá quý sang trọng,…cho thấy chúng tôi luôn đề cao và coi trọng mọi sản phẩm của khách hàng.

Mẫu chứng thư và niêm phong đá quý

Mẫu niêm phong kim cương trong hộp mika cao cấp

  • Tính bảo mật của các chứng thư kiểm định cũng được nâng cao nhờ mã vạch GTIN (Đã được đăng ký tại Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng); mã QRcode; và hệ thống tra cứu trực tuyến.
  • Việc tra cứu chứng thư kiểm định cũng trở nên dễ dàng hơn trên website của Viện. Khách hàng chỉ cần đánh số chứng thư vào ô trống TÌM KIẾM trên website, hoặc vào đường link    http://igg.vn/kiem-tra-chung-thu.html.

 

Hoặc có thể vào mục này trên trang chủ

III. TIÊU CHUẨN 4C TRONG CHẤT LƯỢNG ĐÁ QUÝ

Chất lượng của đá quý được quyết định bởi rất nhiều yếu tố, mỗi yếu tố trong đó lại liên quan và ảnh hưởng bởi rất nhiều các yếu tố khác. Do vậy để đánh giá chất lượng của đá quý khó hơn rất nhiều với việc đánh giá chất lượng kim cương. Với kim cương người ta có thể dễ dàng thống nhất ở chỉ tiêu 4C, nhưng với đá quý thì việc đó khó hơn rất nhiều. Bởi lẽ chất lượng của đá quý được chi phối rất nhiều bởi yếu tố thị hiếu khách hàng. 

Cũng giống như việc đánh giá chất lượng kim cương, chất lượng đá quý theo tiêu chuẩn 4C cũng bao gồm:

  • Màu sắc: Color
  • Độ tinh khiết: Clarity
  • Chất lượng chế tác: Cut
  • Trọng lượng: Carat weight

1. Màu sắc:

Đối với các loại đá quý nói chung thì màu sắc là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định đến chất lượng. Màu sắc được quyết định bởi 3 yếu tố:

  • Gam màu
  • Độ bão hoà màu
  • Tông màu

Gam màu: Là chỉ một màu nhất định trên biểu đồ màu, đó là các màu cơ bản như: đỏ, da cam, vàng, lục, lam, tím,… Theo đúng nghĩa thì mầu trắng và mầu đen không được coi là mầu sắc thực sự: mầu trắng là cảm nhận của mắt người đối với một hỗn hợp đều của tất cả các bước sóng trong vùng nhìn thấy, từ 400 đến 700 nm, còn mầu đen là khi không có một bước sóng nào đập vào mắt người. Màu nâu cũng không được gọi là màu riêng biệt bởi chúng là hoà trộn giữa màu vàng và màu cam. Trong thế giới các loại đá quý thì ruby, emơrot và saphia được coi là tương ứng với 3 màu cơ bản trong tự nhiên là màu đỏ, màu lục và màu lam.

 Độ bão hoà màu: chỉ độ tinh khiết hoặc độ tươi xỉn của mầu. Khi xem xét màu sắc của một viên đá quý ở một gam màu cụ thể (chẳng hạn ruby) sự khác nhau về chất lượng của màu sắc (màu đỏ) chính là sự khác nhau về độ bão hoà màu và thông thường thì người ta thường ưa chuộng những loại có độ bão hoà màu cao hơn. Cường độ phát quang mạnh cũng được coi là có độ bão hoà màu cao.

Tông màu: Chỉ mức độ sáng, tối của màu hoặc đó chính là mức độ hấp thụ ánh sáng của đá quý. Màu trắng là màu có 0% tối và màu đen là màu 100% tối. Khi ở độ bão hoà cao nhất các loại đá quý thường có màu tối hơn khi chúng ở độ bão hoà thấp. Ở cùng một độ bão hoà nhưng các loại đá quý có gam màu khác nhau thì cũng có tông màu khác nhau. Chẳng hạn như cùng độ bão hoà nhưng màu tím sẽ có tông màu sáng hơn so với màu vàng. Màu đỏ và màu lục thường có độ sáng như nhau ở cùng cấp độ bão hoà. Khi đánh giá chất lượng màu sắc của đá quý thì tông màu là một yếu tố rất quan trọng.

Việc xác định chính xác mầu của đá quý vẫn chưa đủ, người ta còn phải biết mầu nào là “đẹp” dựa vào thị hiếu của người tiêu thụ. Nói cách khác, chúng ta còn cần phải biết chất lượng thương mại của mầu sắc, vì nó quyết định giá trị của viên đá. Việc phân biệt giữa mầu “đẹp” và mầu “xấu” phải dựa trên thị hiếu chung của người tiêu dùng, dựa trên kinh nghiệm của nhà ngọc học và bị chi phối bởi thị trường. Như vậy, để phân cấp chất lượng mầu sắc đá quý, ta phải thường xuyên tiếp xúc với người mua, người bán, với nhu cầu của thị trường.

2. Độ tinh khiết

Độ tinh khiết được hiểu là độ chứa các bao thể và các khuyết tật bên trong và bên ngoài của viên đá. Độ tinh khiết cũng là một chỉ tiêu chất lượng quan trọng của đá quý (sau mầu sắc). Các bao thể trong đá quý có thể là các bao thể rắn, bao thể lỏng, bao thể đa pha hoặc là các khe nứt, vết vỡ được hàn gắn,…

Khi xem xét ảnh hưởng của các bao thể đến chất lượng đá quý ta cần phải chú ý đến các yếu tố sau:

Mức độ nhìn thấy của các bao thể: phụ thuộc vào

  • Kích thước của bao thể: Bao thể có kích thước càng nhỏ thì càng ít ảnh hưởng đến chất lượng của đá quý.
  • Số lượng của bao thể: Đá quý càng có ít bao thể càng tốt.
  • Màu sắc của bao thể: Bao thể sáng màu sẽ tốt hơn là bao thể tối màu.
  • Vị trí của bao thể: Các bao thể nằm ở phần đáy hoặc phần rìa thắt lưng sẽ ít ảnh hưởng đến chất lượng đá quý hơn là các bao thể nằm sát phía trên mặt bàn.

Mức độ ảnh hưởng đến độ bền của viên đá: chủ yếu là các khe nứt, vết vỡ; chúng phụ thuộc vào:

  • Kiểu của khe nứt: Các khe nứt chưa được hàn gắn nhiều khi khó quan sát thấy hơn là các khe nứt khi được hàn gắn tuy nhiên chúng lại làm cho độ bền của bản thân viên đá đó giảm đi. Do vậy nhiều khi chúng ta phải chấp nhận hàn gắn để làm tăng độ bền của đá quý.
  • Vị trí của các khe nứt: Các khe nứt nằm ở đáy (culet) hoặc ở rìa của cạnh thắt lưng sẽ làm cho độ bền của viên đá giảm đi nhiều hơn là các khe nứt phát triển hoàn toàn bên trong viên đá. Các khe nứt phần ở mặt trên (crown) sẽ ảnh hưởng nhiều đến chất lượng hơn là các khe nứt phân bố ở phần dưới (pavilion).

 3. Chất lượng chế tác

Chất lượng chế tác của đá quý phản ánh mối quan hệ giữa vẻ đẹp của viên đá với khối lượng lớn nhất có thể sau khi chế tác. Chất lượng chế tác được đặc trưng bởi các chỉ tiêu sau:

  • Hình dạng;
  • Kiểu chế tác
  • Độ cân đối
  • Độ đối xứng
  • Độ hoàn thiện.

Hình dạng : là hình dạng chung của viên đá, cùng với sự phân bố của các mặt giác.

Kiểu chế tác:

  • Facet (mài giác): thường áp dụng cho những viên có độ trong suốt cao, gồm các kiểu: kiểu kim cương, kiểu đáy tầng và kiểu hỗn hợp.
  • Cabochon (mài khum): áp dụng cho những viên có độ tinh khiết kém, nhiều khuyết tập, hoặc những viên có hiệu ứng sao, mắt mèo.

Độ cân đối:

Là qua hệ giữa các phần khác nhau của viên đá với đường kính theo thắt lưng. Khi xác định độ cân đối, cần đo một loạt thông số, sau đó so sánh với các yêu cầu kỹ thuật của mỗi kiểu chế tác để đánh giá. Quan trọng nhất là các yếu tố tỷ lệ giữa phần trên và phần dưới, tỷ lệ giữa chiều dài và chiều rộng. Ở mỗi kiểu chế tác khác nhau thì các tỷ lệ này cũng khác nhau.

Ví dụ: Theo tỷ lệ giữa chiều dài và chiều rộng

  • Kiểu trái tim có tỷ lệ là 1:1.
  • Kiểu ovan có tỷ lệ là 1,5-1,75: 1.
  • Kiểu chữa nhật: 1,5:1.

Khi một viên đá chế tác quá nông thì ánh sáng dễ dàng xuyên qua ít bị phản xạ và độ long lanh sẽ giảm đi rất nhiều

Độ đối xứng:

Là tương quan giữa các phần, các bộ phận của viên đá sau chế tác. Khu xem xét ta phải chú ý đến các yếu tố sau:

  • Độ lệch của tim đáy.
  • Độ lệch của mặt bàn.
  • Tỷ lệ của thắt lưng so với chiều dày.
  • Mặt bàn có song song với thắt lưng không?.

Độ hoàn thiện: chất lượng bề mặt của viên đá, độ chính xác về hình khối chung và sự sắp xếp của các giác. Độ cân đối thể hiện qua:

  • Độ đối xứng : độ chính xác về hình dạng và sự sắp xếp của các giác mài.
  • Độ bóng : chất lượng bề mặt của viên đá.

Dựa vào tất cả các chỉ tiêu trên, người ta chia chất lượng chế tác thành các cấp sau đây:

  • Chế tác rất tốt
  • Chế tác tốt
  • Chế tác trung bình
  • Chế tác kém

4. Trọng lượng

Trọng lượng của đá quý được tính bằng carat (1carat = 0.2gram). Giá trị của đá quý tăng rất nhanh theo trọng lượng và tăng theo cấp số nhân.

Khi đánh giá chất lượng đá quý người phân cấp chất lượng cần phải đánh giá tổng thể 4 tiêu chí trên với sự hỗ trợ của các thiết bị cần thiết:

Để xác định mầu sắc người ta sử dụng các phương pháp sau đây:

  • Các phương pháp trực quan: so sánh với các mẫu chuẩn (tự nhiên và nhân tạo), các bảng mầu chuẩn v.v.
  • Các phương pháp đo mầu: dùng các thiết bị như Color Master của Viện Ngọc Mỹ (GIA), Color Scan của các phòng Ngọc học Mỹ (AGL), các máy đo phổ.

Để xác định mầu chính xác cần có các thiết bị cơ bản là:

  • Đèn ánh sáng ban ngày;
  • Bộ màu chuẩn;
  • Các thiết bị phóng đại tiêu sắc, tương phản khác nhau như kính lúp, kính hiển vi.

Nên nhớ một điều rằng ánh sáng khác nhau sẽ làm cho ta có các cảm nhận khác nhau về màu sắc và do vậy sẽ đưa ra nhận định không chính xác về màu. Cần thiết có thể kết hợp các chế độ chiếu sáng khác nhau để đánh giá, nhiều khi với mỗi gam màu nhất định ta sẽ dùng một chế độ chiếu sáng phù hợp.

Để xác định độ tinh khiết người ta dùng kính lúp có độ phóng đại 10X, hoặc dùng kính hiển vi ngọc học.

Trên đây là chất lượng đá quý được đánh giá theo tiêu chí 4C, tuy nhiên trong thực tế chất lượng của đá quý còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố và đòi hỏi người đánh giá chất lượng phải là một chuyên gia giàu kinh nghiệm mới có thề đưa ra những kết luận chuẩn xác. Các yếu tố khác cần phải xem xét là:

Đá tự nhiên hay đã được xử lý.

Các yếu tố của thị trường chi phối: chẳng hạn

  • Khả năng cung, cầu của thị trường
  • Tình hình tài chính của người bán hoặc người mua.
  • Quan hệ giữa người mua và người bán.
  • Nguồn gốc xuất xứ của đá quý,...

TS. Phạm Văn Long

 

Dịch vụ kiểm định