Kiểm định ngọc trai


I. QUY TRÌNH KIỂM ĐỊNH NGỌC TRAI

 

II. HỆ THỐNG PHÂN CẤP CHẤT LƯỢNG NGỌC TRAI

Theo thừa nhận của hầu hết các nhà ngọc học và các phòng thí nghiệm trên thế giới thì chất lượng ngọc trai được quyết định bởi các yếu tố chủ yếu sau (hay còn gọi là tiêu chuẩn 2C, 4S).

- Tiêu chuẩn 2C bao gồm: Color (màu sắc) và Coating (độ dày lớp xà cừ).

- Tiêu chuẩn 4S bao gồm: Shape (hình dạng), Size (kích thước), Shine (độ bóng) và Spot (đốm, vết) 

1. Màu sắc:

       Do đặc điểm môi trường sống đa dạng và đặc điểm của các loài trai mang ngọc khác nhau mà hầu hết ngọc trai nuôi sau thu hoạch có màu sắc phong phú và đa dạng, thậm chí có những màu không phù hợp với thị hiếu tiêu thụ của con người, kể cả những viên ngọc có chất lượng cao có thể lên được hàng trang sức ngay sau khi thu hoạch không cần gia công. Màu sắc của hạt ngọc trai phụ thuộc vào loài trai sinh sản ra nó và vùng nước mà loài trai đó cư ngụ cũng như vào màu sắc của lớp conchiolin trên cùng. Nếu conchiolin phân bố không đồng đều, hạt trai sẽ có các vết đốm.

       Mầu sắc của hầu hết ngọc trai là kết quả của 2 thành phần riêng biệt: mầu bên trong hay màu nền (body color) và sắc mầu (overtone). Khi có mặt, sắc mầu sẽ phủ chồng lên màu nền. Mầu nền có thể dễ dàng phân biệt với sắc mầu bằng cách quan sát trong ánh sáng khuyếch tán dịu: Sắc mầu là mầu phản chiếu từ bề mặt của viên ngọc, còn phần còn lại sẽ là mầu nền. Sắc màu bao gồm các mầu hồng (rose), lơ và lục (càng về cuối càng ít được ưa chuộng).

       Dựa vào màu nền, ngọc trai có thể phân ra thành 3 nhóm chính: nhóm mầu nhạt, nhóm mầu đen và nhóm có mầu.

a. Ngọc trai màu nhạt

       Trong nhóm này có những loại ngọc trai có mầu nền hồng, trắng hoặc màu kem. Tiếp đó chúng lại được phân nhỏ thành:

- Hồng: Mầu nền hồng không kèm theo sắc mầu.

- Hồng Rosé: Nền mầu hồng kèm theo sắc mầu rosé, cũng có thể kèm theo sắc mầu lơ hoặc lục.

- Trắng: Mầu nền trắng hoặc gần như trắng không kèm theo một sắc mầu nào rõ rệt, thường là có chút phớt hồng, xám hoặc lơ.

- Trắng rosé: Nền mầu trắng hoặc gần như trắng với sắc mầu rosé.

- Kem: Mầu nền kem nhạt đến đậm không có sắc mầu.

- Kem Rosé: Mầu nền kem kèm theo sắc mầu rosé. Loại ngọc trai này có giá hơn ngọc trai kèm không có sắc mầu rosé.

- Ngọc trai đa màu: Luôn có 3 mầu. Mầu nền là mầu kem, sắc mầu là mầu rosé (mầu thứ hai). Mầu thứ 3 là sắc mầu khác, có thể là lơ hoặc lục.

       Trong nhóm ngọc trai nhạt mầu thì có giá nhất là hồng, hồng rosé và trắng rosé.

 Một số màu cơ bản của ngọc trai

b. Ngọc trai đen

       Nhóm này gồm những loại ngọc trai đen thực sự cũng như những viên có mầu xám tối, ngoài ra còn cả các loại ngọc trai lơ tối, lơ lục tối, lục tối và ngọc trai mầu đồng với sắc mầu kim loại rõ ràng. Loại ngọc trai đắt tiền nhất của nhóm này là loại có mầu nền đen và có sắc mầu kim loại. Mầu phải đậm và đều, mầu nhạt giá thấp hơn nhiều.

Loại ngọc trai đen thực thụ chỉ được hình thành ở loài trai môi đen và ở một số vùng biển nhất định. Các cố gắng để nuôi cấy loại ngọc trai đen từ trước đến nay đều chưa thu được thành công như mong muốn, và chỉ thu được loại ngọc có ánh thép nhạt.

c. Ngọc trai mầu

       Là những viên ngọc trai không thể xếp vào 2 nhóm trên, có mầu nền thuộc một gam mầu rõ ràng, thường là vàng, lục, lơ, tím hoặc xám (nhạt đến đậm). Những loại ngọc trai này thường là ngọc trai nước ngọt hơn là ngọc trai nước mặn.

       Hầu như đa số màu của các viên ngọc trai nuôi đều có màu trắng, nhưng bằng các quan sát kỹ có thể phân biệt được các sắc thái: hồng, bạc, kem, vàng đồng, lục, lam và đen. Các sắc màu vàng đồng, lam và đen thường dễ dàng nhận ra trong khi đó các sắc màu khác thường khó phân biệt với ánh sáng thường.

       Nguyên nhân xuất hiện các sắc màu khác nhau ở ngọc trai nuôi phụ thuộc vào nhiều yếu tố như loài trai nuôi, môi trường sống, thức ăn,...Tuy nhiên với màu vàng đồng thì thường chỉ xuất hiện khi loài trai được nuôi ở vùng biển có tốc độ lên xuống của thuỷ triều nhanh.

       Các viên ngọc trai có màu trắng thuần khiết là tương đối hiếm mà chúng thường là sự pha trộn của các sắc màu bạc, hồng và màu kem. Sự xuất hiện của các sắc màu này phụ thuộc vào độ dày của lớp xà cừ, sự sắp xếp của các tinh thể aragonit và sự có mặt của các tác nhân tạo màu trên lớp xà cừ.

2. Độ dày lớp xà cừ

       Độ dày lớp xà cừ được quyết định bởi thời gian nuôi ngọc. Trong tự nhiện tốc độ phủ của lớp xà cừ thường là 0.15mm/năm ở các vùng biển lạnh. Tại các vùng biển nước ấm ở xích đạo tốc độ lớn của lớp xà cừ có thể lớn hơn gấp 20 lần (1.5-1.8mm/năm). Thông thường với ngọc trai nuôi thì người ta thu hoạch sau thời gian từ 6 tháng đến 12 tháng. Với khoảng thời gian đó thì lớp xà cừ của viên ngọc có thể đạt đến 2mm. Viên ngọc có lớp xà cừ càng dày thì có độ bóng càng cao, màu càng đẹp, độ bền lớn và từ đó mà có giá trị cao hơn so với loại có lớp xà cừ mỏng.

3. Hình dạng

       Hình dạng của ngọc trai nuôi được quyết định bởi các yếu tố sau: nhân cấy, hình thức cấy và sự di chuyển của con trai trong quá trình nuôi.

- Ngọc trai có nhân tròn: Thường là ngọc trai có hình tròn hoặc hơi tròn, ngọc cấy ở nội tạng và có thể cấy ở màng áo. Nhân cấy ngọc thường có hình tròn, thường làm từ vỏ một loài trai nước ngọt.

- Ngọc trai có nhân bán nửa: Thường là hình bán cầu, hình giọt lệ, hình trái tim, hình elip, hình tượng phật,…Ngọc cấy ở ngoài màng áo tức là cấy trên mặt xà cừ vỏ trai. Nhân cấy ngọc đúc bằng nhựa có hình thù tương ứng với ngọc nêu trên.

- Ngọc trai không có nhân: Thường là ngọc trai có những hình thù đa dạng khó xác định. Ngọc cấy bằng mô tế bào không có nhân cứng, nên bên trong trống và cấy ở màng áo trai nước ngọt. Hiện nay 99,9% ngọc trai nước ngọt Trung Quốc cấy không có nhân cứng, rỗng. Ngọc trai nuôi không nhân thường có hình dạng phong phú và thường có độ tròn đều không cao. Đa phần chúng có hình ovan, hình giọt nước và các hình thù kỳ dị (baroque). Thông thường với loại ngọc trai nuôi không nhân, khoảng sau 1-2 năm chúng có thể cho viên ngọc kích thước 6-8mm. Để có được những viên ngọc có hình dạng đẹp hơn, viên ngọc sau khi thu hoạch người ta lại tiếp tục dùng chúng làm nhân để cấy vào con trai khác cùng loài nhằm thu được các viên ngọc có hình dạng đẹp hơn.

       Để đánh giá chất lượng viên ngọc theo hình dạng người ta phân theo các tiêu chí sau:

- Ngọc tròn: sai số             < 5%.

- Ngọc hơi tròn: sai số  từ 5% - 10%.

- Ngọc hơi dị hình, còn gọi là ngọc 1/2 baroque, có những sọc không quá 1/3 bề mặt viên ngọc, có thể quay trên một trục.

- Ngọc dị hình: còn gọi là ngọc baroque, không thể quay trên một trục.

        Viên ngọc trai có giá trị cao nhất khi chúng có hình cầu đồng đều, tiếp theo là hình quả lê đối xứng, đến hình cúc áo và cuối cùng là hình baroque có giá trị thấp nhất. Các viên ngọc trai được làm theo hình tượng phật và các hình thù định hình khác thì có giá trị đặc biệt.

Các hình dạng của ngọc trai

4. Kích thước

       Kích thước là yếu tố đặc biệt quan trọng quyết định đến giá trị của viên ngọc. Thang phân cấp chất lượng ngọc trai theo kích thước như sau:

- Ngọc trai rất nhỏ khi có đường kính nhỏ hơn          3mm.

- Nhỏ                                                                     3-5mm

- Trung bình                                                            5-7mm

- Lớn                                                                     7-8mm

- Rất lớn                                                                >8mm

       Kích thước viên ngọc trai nuôi được quyết định bởi kích thước của nhân cấy ban đầu và thời gian nuôi cũng như tốc độ tiết ngọc của con trai.

Kích thước của ngọc trai 

5. Độ bóng

       Do đặc điểm sinh trưởng của các lớp xà cừ trên bề mặt viên ngọc và đặc điểm tiết ngọc của con trai mà hầu hết ngọc trai nuôi sau thu hoạch thường có độ nhám hoặc gồ ghề không đều trên bề mặt, chưa có độ bóng cao đủ tiêu chuẩn để làm hàng trang sức trực tiếp. Độ nhám cao hoặc tính gồ ghề trên bề mặt có thể xuất phát từ bản chất của nhân cấy ban đầu có độ bóng không đều, hoặc độ tròn đều kém đã dẫn đến việc ưu tiên sinh trưởng ở những khu vực khác nhau trên bề mặt viên ngọc và làm cho viên ngọc có độ bóng không cao.

       Theo đánh giá của các chuyên gia và tổng kết từ các cơ sở nuôi cấy ngọc trai thì chỉ có khoảng 5% số ngọc trai nuôi sau thu hoạch là có thể sử dụng trực tiếp, số còn lại khoảng 95% đều phải qua các khâu xử lý khác nhau.

6. Đặc điểm đốm, vết trên bề mặt

            Do đặc điểm môi trường sống và thức ăn để nuôi trai mà ngọc trai sau thu hoạch thường có các đốm, vết trên bề mặt. Trong quá trình viên ngọc sinh trưởng cũng vì một lý do nào đó mà xuất hiện các vật thể lạ kích thích trên bề mặt viên ngọc đang sinh trưởng sẽ dẫn đến hình thành các điểm ưu tiên phát triển và từ đó sẽ xuất hiện các đốm, vết. Tuỳ theo đặc điểm môi trường sống hoặc thức ăn các đốm này có thể có màu sắc giống với màu nền của viên ngọc hoặc có màu khác.

 
TS. Phạm Văn Long
III. MẪU CHỨNG THƯ VÀ NIÊM PHONG NGỌC TRAI TẠI VIỆN NGỌC IGG

Dịch vụ kiểm định