Tên peridot là tên theo tiếng Anh dùng để chỉ một biến thể có màu lục của khoáng vật olivin, là loại silicat chứa Mg và Fe. Với màu sắc lục phớt vàng đặc trưng (màu oliu) đây là một đá quý hết sức đặc biệt, có trong các đá tạo ra từ núi lửa và trong cả thiên thạch rơi xuống trái đất. Người La Mã gọi peridot là “emerald hoàng hôn” vì màu lục của chúng không tối vào ban đêm và vẫn thấy được dưới ánh đèn. Peridot là loại đá đại diện cho những người sinh tháng 8.
1. Thành phần hoá học và cấu trúc tinh thể
1.1. Thành phần hoá học: Là silicat Mg, Fe có công thức hoá học (Mg, Fe2)SiO4.
1.2. Cấu trúc tinh thể
-
Tinh hệ: Trực thoi.
-
Dạng tinh thể: Tinh thể hoàn chỉnh thường hiếm, đôi khi ở dạng tấm hoặc lăng trụ ngắn.
2. Các tính chất vật lý và quang học
2.1. Các tính chất vật lý
-
Độ cứng : 6,5 - 7
-
Tỷ trọng : 3,27 - 3,37
-
Cát khai : Rõ theo [010], không hoàn toàn theo [100]
2.2. Tính chất quang học:
-
Chiết suất : 1,654 - 1,690
-
Lưỡng chiết suất : 0,036
-
Màu sắc : vàng lục đặc trưng, lục oliu đôi khi nâu nhạt.
-
Ánh : Thuỷ tinh mạnh gần như kim cương
-
Tính phát quang : Không
-
Phổ hấp thụ : 6530, 5530, 5290, 4970, 4950, 4930, 4730, 4530
-
Tính đa sắc : rất yếu, không màu tới lục nhạt, lục oliu.
-
Các hiệu ứng quang học đặc biệt: Không
3. Bao thể:
Các bao thể thường gặp trong peridot là cromdiopsit, cromspinen, phlogopit và các bao thể anhydrit dạng tấm, lá. Trong peridot của Việt Nam thường gặp các bao thể khoáng vật dạng 8 mặt tự hình của cromit cùng với các bao thể phlogopit ...
4. Đặc điểm phân bố trên thế giới và Việt Nam
Nguồn cung cấp peridot chủ yếu cho thế giới là vùng Biển đỏ đã được khai thác từ 3500 năm trước đây, một số lượng lớn được khai thác ở Miến Điện (cách Mogok 30 km về phía đông bắc). Bên cạnh đó peridot còn được khai thác ở Australia (bang Queensland), Braxin (mỏ Minas Gerais), Nam Phi cùng với khai thác kim cương, Mỹ, Zaia... ở Châu Âu peridot được khai thác chủ yếu ở Na Uy.
Ở Việt Nam peridot được khai thác nhiều trong bazan miền nam Việt Nam, peridot được kết tinh ở giai đoạn đầu của hoạt động phun trào macma và hình thành nên các nodule. Khu vực khai thác nhiều nhất hiện nay là vùng Hàm Rồng (Gia Lai), Lâm Đồng ...
5. Mài cắt
Thời Trung cổ peridot được sử dụng rất rộng rãi ở Châu Âu, peridot thường được cắt kiểu emơrôt và đôi khi được cắt kiểu kim cương và thường được gắn trên nhẫn vàng.
6. Các loại đá giả và phương pháp nhận biết:
Các loại đá có màu gần giống như peridot có demantoit, zircon, saphia vàng,chryzoberin, sinhalit, tuamalin, topar, berin, opsidian (mondavit). Tuy nhiên peridot dễ nhận biết bởi màu lục vàng đặc trưng với lưỡng chiết mạnh (đây là một đặc điểm quan trọng nhất để phân biệt) ở những viên mài dày ta có thể quan sát được hiệu ứng nhân đôi thậm chí ngay cả bằng mắt thường. Màu giống như peridot chỉ thấy trong thuỷ tinh giả.
- Sinhalit (borat của Fe, Al và Mg)” được coi như là một dạng của peridot nhưng có chỉ số chiết suất và tỷ trọng cao hơn do hàm lượng của Fe trong thành phần cao hơn.
7. Các phương pháp xử lý:
Mới đây peridot Việt Nam đã được các nhà khoa học thuộc Trung tâm Nghiên cứu - Kiểm định Đá quý và Vàng tiến hành xử lý làm tăng vẻ đẹp của peridot. Peridot Việt Nam thường bị nhuốm màu nâu do vậy có thể dùng phương pháp xử lý nhiệt để làm sạch màu nâu và chỉ giữ lại màu thân đá (body color).
TS. Phạm Văn Long